Thứ Sáu, 17 tháng 4, 2009

HỆ THỐNG PHÁP LUẬT CẠNH TRANH CỦA TRUNG QUỐC - QUÁ TRÌNH HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN

Trong vòng một thập kỷ qua, SAIC đã tiến hành soạn thảo và đưa ra nhiều đề xuất liên quan đến Luật Chống độc quyền. Đến đầu năm 2003, Dự thảo Luật Chống độc quyền của Trung Quốc đã được hoàn thành và tháng 3/2004 đã được đệ trình lên Hội đồng Nhà nước. Đến phiên họp lần thứ 29 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội Khóa 10 ngày 30/8/2007, Luật Chống độc quyền đã được thông qua và sẽ chính thưc có hiệu lực vào 01/8/2008. Luật Chống độc quyền Trung Quốc bao gồm 8 chương với 57 Điều, bao gồm các quy định về phạm vi áp dụng, thỏa thuận độc quyền, lạm dung vị trí thống lĩnh, tập trung kinh tế, loại bỏ và hạn chế cạnh tranh thông qua việc lạm dụng sức mạnh hành chính….
Luật Chống độc quyền Trung Quốc cũng đưa ra mô hình “Ủy ban chống độc quyền thuộc Hội đồng Nhà nước và là cơ quan thực thi Luật chống độc quyền”. Luật cũng quy định rằng Hội đồng Nhà nước sẽ thành lập Ủy ban Chống độc quyền với nhiệm vụ tổ chức, hướng dẫn và phối hợp các công việc liên quan đến chống độc quyền. Căn cứ nhu cầu của việc xây dựng một hệ thống thị trường có trật tự, cạnh tranh, mở cửa và thống nhất và chuyên biệt trong việc thực thi Luật chống độc quyền. Căn cứ vào điều kiện cụ thể và bắt nguồn từ nhu cầu thực tế trong việc thực thi luật, Luật chống độc quyền có quy định rằng cơ quan thực thi Luật có thể ủy quyền cho các cơ quan có liên quan ở cấp địa phương, các khu vực tự trị và chính quyền thành phố có trách nhiệm thực thi Luật chống độc quyền. Do đó, Hội đồng nhà nước có thể giao cho các đơn vị có liên quan các trách nhiệm tương ứng trong việc thực thi luật hoặc có sự điều chỉnh về trách nhiệm thực thi luật giữa các đơn vị có liên quan.
Có thể nói, việc thực thi các quy định liên quan đến cạnh tranh không lành mạnh và các quy định về chống độc quyền đã được bắt đầu từ năm 1993, kể từ thời điểm Luật chống cạnh tranh không lành mạnh ra đời. Luật này điều chỉnh cả các hành vi cạnh tranh không lành mạnh và một số hành vi hạn chế cạnh tranh. Luật cấm 6 loại hành vi cạnh tranh không lành mạnh đó là giả mạo hàng hóa, quảng cáo gây nhầm lẫn, hối lộ mang tính chất thương mại, vi phạm bí mật thương mại, bán hàng với giá niêm yết không thích hợp và quy tội cho doanh nghiệp khác nhằm mục đích thương mại và 6 loại hành vi hạn chế cạnh tranh là hành vi hạn chế cạnh tranh của doanh nghiệp công hoặc các doanh nghiệp khác có vị trí thống lĩnh theo quy định của pháp luật, độc quyền hành chính, bán hàng hóa dưới giá thành, áp đặt điều kiện trong bán hàng và đấu thầu. SAIC chịu trách nhiệm điều tra và xử phạt các hành vi bất hợp pháp của độc quyền và cạnh tranh không lành mạnh theo quy định của luật và theo sự ủy quyền của Hội đồng nhà nước. Trong vòng một thập kỷ qua, SAIC đã tăng cường nỗ lực thực thi luật cạnh tranh và đã đạt được những tác động tốt. Năm 1994, SAIC đã thành lập Văn phòng Thương mại Công bằng, một trong những chức năng của văn phòng này là tổ chức giám sát và kiểm tra các hành vi trên thị trường và điều tra xử lý các vụ việc cạnh tranh không lành mạnh và độc quyền. Các cơ quan quản lý về công nghiệp và thương mại địa phương của Trung Quốc đã thành lập các đơn vị thống nhất để thực thi luật thương mại lành mạnh, các phòng thực thi luật thương mại lành mạnh và các bộ phận được thành lập ở tất cả các sở quản lý công nghiệp và thương mại ở các thành phố và tỉnh. Do đó, SAIC đã hình thành được một mạng lưới thực thi các quy định về chống độc quyền và chống cạnh tranh không lành mạnh ở trên khắp cả nước. Trong thời gian này, SAIC đã xử lý một số vụ việc liên quan đến cạnh tranh không lành mạnh và hạn chế cạnh tranh. Từ tháng 12/1993, kể từ khi Luật chống cạnh tranh không lành mạnh có hiệu lực đến tháng 12/2007, SAIC đã điều tra và xử phạt tổng cộng 353.900 vụ việc liên quan đến cạnh tranh không lành mạnh và hạn chế cạnh tranh, trong đó 51.389 vụ việc về giả mạo tên thương mại của hàng hóa người khác; 40.363 vụ bắt chước tên, bao bì và trang trí của hàng hóa nổi tiếng; 27.830 vụ việc liên quan đến việc sử dụng nhằm gian dối tên của doanh nghiệp, cá nhân khác; 50.342 vụ giả mạo hoặc sử dụng gian dối nhãn hiệu đã được đăng ký đối với hàng hóa của người khác, giả mạo nguồn gốc xuất xứ, gian dối về chất lượng sản phẩm; 32.797 vụ việc hối lộ mang tính chất thương mại; 50.005 vụ liên quan đến chất lượng, thành phần, hiệu quả và việc sử dụng hàng hóa thông qua quảng cáo và các cách thức khác.Đối với việc thực thi các quy định về chống độc quyền, từ năm 1999 đến năm 2007, SAIC đã tiến hành chiến dịch thực thi các quy định chống độc quyền trên cả nước trong vòng 9 năm liên tục. Theo đó, từ năm 1994 đến tháng 12/2007, các văn phòng quản lý thương mại và công nghiệp đã điều tra và xử phạt tổng cộng 6.699 vụ việc độc quyền công nghiệp liên quan đến các doanh nghiệp trong các ngành độc quyền như cung cấp nước, cung cấp điện, cung cấp khí đốt, dịch vụ bưu chính, viễn thông, vận tải, bảo hiểm, ngân hàng, dầu khí, hóa dầu, thuốc lá…điều tra và xử phạt 506 vụ việc liên quan đến việc loại bỏ hoặc hạn chế cạnh tranh như bảo hộ nội địa và tẩy chay hàng hóa khu vực. Các văn phòng quản lý công nghiệp và thương mại ở một số tỉnh và thành phố, theo các quy định của địa phương mình về các hành vi cạnh tranh không lành mạnh, đã điều tra và xử phạt các hành vi hạn chế cạnh tranh như chia tách thị trường và ấn định giá thông qua các thỏa thuận cartel. Trong một vài năm gần đây, SAIC đã tiến hành điều tra một số vụ việc liên quan đến lạm dung vị trí thống lĩnh để tiến hành việc áp đặt điều kiện trong bán hàng và đã ban hành các cảnh cáo hành chính đối với các doanh nghiệp có liên quan.
Đối với việc kiểm tra, giám sát sáp nhập và hợp nhất doanh nghiệp, trong giai đoạn từ năm 2004-2007, SAIC đã nhận được 378 hồ sơ báo cáo của doanh nghiệp liên quan đến sáp nhập và hợp nhất. Trong 378 hồ sơ đã được SAIC thẩm định về vấn đề độc quyền, chưa có trường hợp nào bị cấm hoặc được liệt vào diện các điều kiện hạn chế bổ sung. Hơn nữa, hầu hết các vụ việc này đều được thông qua ở giai đoạn thẩm định ban đầu kéo dài trong vòng 30 ngày làm việc. Chỉ có 3-4 vụ việc được đưa vào diện phải thẩm định thêm về nội dung.
Nhìn chung, việc ban hành Luật chống độc quyền chỉ là một bước khởi đầu mới cho việc thực thi chống độc quyền ở Trung Quốc. Các thách thức đặt ra đối với cơ quan thực thi Luật là nhận thức của chính phủ, các doanh nghiệp và người tiêu dùng về tác hại của hành vi độc quyền; tăng cường nhận thức của toàn bộ xã hội về Luật; thực thi Luật một cách công bằng, minh bạch và hiệu quả; thúc đẩy sự phát triển kinh tế hợp lý và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng
Sau 13 năm soạn thảo, Luật Chống độc quyền đã được Uỷ ban Thường vụ Quốc hội của nước Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa, cơ quan lập pháp tối cao của Trung Quốc, thông qua và đã có hiệu lực từ ngày 1 tháng 8 năm 2008.Luật Chống Độc quyền gồm 8 Chương và 57 Điều quy định những hành hành vi độc quyền bị cấm như các hành vi thoả thuận hạn chế cạnh tranh (cartel) hay những hình thức thông đồng khác, quy định về trình tự quá trình điều tra và xử lý các hành vi độc quyền đồng thời vẫn bảo vệ các hành vi độc quyền khi những hành vi này có mục đích nhằm thúc đấy những tiến bộ khoa học và cải tiến về công nghệ.
Luật chống độc quyền cấm các công ty độc quyền trong việc sử dụng vị trí thống lĩnh trong thị trường để hạn chế cạnh tranh, áp đặt giá, từ chối hoặc ép buộc giao dịch.Theo quy định của Luật chống độc quyền, Hội đồng Chống độc quyền trực thuộc Hội đồng nhà nước sẽ được thành lập để thực thi các quy định pháp luật về chống độc quyền. Luật quy định rằng “các cơ quan Chính phủ không được lợi dụng quyền lực để hạn chế cạnh tranh”, đồng thời nghiêm cấm các cơ quan Chính phủ chỉ định những đơn vị sản xuất hoặc cung ứng cho việc mua sắm công. Luật cũng nghiêm cấm các hành vi ngăn cản việc tự do lưu thông hàng hoá và đưa ra các quy định về đấu thầu của nhà nước nhằm phân biệt đối xử với các công ty từ khu vực khác.
Luật cũng quy định rằng “các cán bộ trong các cơ quan thực thi pháp luật về chống độc quyền sẽ bị truy tố nếu tiết lộ các thông tin thương mại bí mật thu thập được trong quá trình điều tra”.Việc sáp nhập và hợp nhất các công ty nước ngoài với các công ty Trung Quốc sẽ phải chịu sự kiểm tra chặt chẽ theo như quy định trong luật chống độc quyền với mục đích bảo vệ an ninh kinh tế của Trung Quốc. Các hành vi sát nhập hoặc hợp nhất giữa các công ty nước ngoài với các công ty Trung Quốc hoặc việc đầu tư vốn nước ngoài vào trong các hoạt động của các công ty Trung Quốc dưới các hình thức khác cần phải thông báo cho cơ quan chống độc quyền nếu các hoạt động sát nhập hoặc hợp nhất này nằm trong diện quy định mà Hội đồng nhà nước đã đưa ra.
Trước đây, Trung Quốc đã thiết lập một hệ thống kiểm tra an ninh quốc gia cơ bản nhằm đối phó với các hoạt động sát nhập và hợp nhất của các công ty nước ngoài. Theo quy định được Bộ Thương mại Trung Quốc (MOC) và 5 cơ quan chính phủ khác ban hành vào năm ngoái thì những nhà đầu tư nước ngoài cần phải được Bộ Thương mại phê duyệt nếu việc mua lại các công ty trong nước có tác động đến an ninh kinh tế Trung Quốc hoặc diễn ra trong ngành chủ chốt hoặc dẫn đến việc nhượng quyền của các nhãn hàng hoá nổi tiếng.
Trước đó thì chỉ những hoạt động hợp nhất và sáp nhập có giá trị trên 100 triệu đô la Mỹ mới cần đến sự kiểm tra và phê duyệt của Bộ Thương mại.
Theo Uỷ ban Quốc gia về Đổi mới và Phát triển (doanh nghiệp) thì Chính phủ sẽ tăng cường việc kiểm tra và giám sát đối với các hoạt động sát nhập của các công ty nước ngoài mà ảnh hưởng đến các doanh nghiệp chủ chốt trong nước đang hoạt động trong những lĩnh vực nhạy cảm, đồng thời ban hành những chính sách cải tiến hệ thống cấp phép cho các ngành công nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài vào cuối năm 2010.
Vào tháng 12 năm ngoái, Hội đồng Nhà nước, nội các Chính phủ Trung quốc đã công bố danh sách các ngành chiến lược mà nhà nước sẽ vẫn duy trì việc kiểm soát. Danh sách đó bao gồm những ngành sản xuất liên quan đến quốc phòng, điện và mạng lưới điện, dầu mỏ, khí đốt, hoá dầu, viễn thông, than, hàng không dân dụng và vận tải biển.
Nguồn: Bộ Thương mại Trung Quốc

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét