Thứ Sáu, 17 tháng 4, 2009

SƠ LƯỢC SỰ PHÁT TRIỂN CỦA LUẬT CẠNH TRANH CHÂU ÂU


Luật cạnh tranh Châu Âu có lịch sử ra đời và phát triển sớm hơn so với suy nghĩ của nhiều người. Điểm khởi đầu của sự ra đời là vào những năm 1890 của thế kỷ trước tại Vienna, thủ đô của của Áo, nơi mà vào thời đó được coi là một trong những trung tâm của châu Âu có nền giáo dục cao và hệ thống quản lý hành chính tiến bộ. Tại đây các nhà quản lý đã nhận ra giá trị tiềm năng to lớn của một bộ luật nhằm bảo vệ sự cạnh tranh lành mạnh đang bắt đầu phát triển và rất dễ bị bóp méo và do vậy một dự thảo luật đã được soạn nhằm mục đích này.Mặc dù dự thảo luật này đã không được thông qua nhưng những nguyên tắc cơ bản của nó đã thu hút được sự chú ý của một nhóm các học giả quan trọng tại Đức nơi và vào những năm 1900 đã không thành công trong một nỗ lực ban hành các quy định về luật cạnh tranh.

Đến giai đoạn những năm 1920 thì những văn bản luật cạnh tranh hiện đại đầu tiên đã được ban hành tại vài nước Châu Âu mà trong đó quan trọng nhất phải kể đến luật cạnh tranh do Đức ban hành. Điều này đã tạo ra những giá trị hết sức có ý nghĩa đối với vấn đề cạnh tranh tại Đức cũng như một số quốc gia khác, và đến cuối thập niên đó thì tại Châu Âu đã bước đầu hình thành và phát triển một hệ thống luật cạnh tranh riêng cho mình. Rất khác so với Luật chống độc quyền của Mỹ ra đời vào khoảng thời gian trước đó (luật chống độc quyền của Mỹ ra đời vào năm 1980 với cái tên Sherman Anti-Trust Act), luật cạnh tranh phát triển tại Châu Âu chú trọng vào việc quy định cho một số cơ quan hành chính một quyền năng can thiệp trong những trường hợp mà ở đó các công ty có hành vi lạm dụng sức mạnh thị trường. Nhưng thật không may sự suy thoái kinh tế vào những năm 1930 xảy ra ở các nước Châu Âu, chủ nghĩa Phát xít và sau đó là chiến tranh thế giới lần 2 đã quét sạch những quy định luật cạnh tranh đang bắt đầu hình thành và phát triển này.

Sự kết thúc của chiến tranh thế giới lần 2 tạo ra một môi trường mới về căn bản đã thay đổi cho sự phát triển của Luật cạnh tranh tại Châu Âu. Bên cạnh những gánh nặng bởi các thảm hoạ chiến tranh và bởi sự nhận thức rằng phải tiến hành song song để xây dựng lại một đất nước mới hoàn toàn khác so với đế chế huy hoàng trước đây, nhà nước Đức đã xây dựng một hệ thống luật cạnh tranh mới mà không lâu sau đó trở thành một hệ thống luật phát triển nhất Châu Âu thời bấy giờ và vẫn còn tồn tại cho đến hiện nay. Hệ thống luật này được xây dựng trên hai cơ sở, một là từ những ý tưởng và phương án được nghiên cứu bởi một nhóm nhỏ các học giả và các nhà kinh tế Đức thực hiện bí mật trong thời kỳ Đức quốc xã và thời kỳ thế chiến thứ 2, hai là từ những kinh nghiệm học được trong việc áp dụng Luật chống độc quyền của Mỹ trong thời gian Đức bị chiếm đóng. Không chỉ có Đức, các quốc gia Châu Âu khác cũng dần dần phát triển hệ thống luật cạnh tranh riêng của họ. Hầu như các hệ thống luật này đều quy định sự kiểm soát mang tính hành chính đối với các hành vi lạm dụng vị trí thống lĩnh, vị trí độc quyền cũng như là các hành vi phản cạnh tranh. Những hệ thống này về cơ bản được thực thi giống như những công cụ chính sách điều phối cạnh tranh với rất ít các nguyên tắc hay quy định chứa đựng nội dung cụ thể và có rất ít sự phát triển xét về mặt luật pháp. Chỉ có ít trong số này dần phát triển hệ thống luật cạnh tranh của họ như một nhân tố quan trọng cho các hoạt động kinh doanh và hoạt động lập pháp. Tuy nhiên đến giai đoạn những năm 1990 thì cũng nhiều luật cạnh tranh của các quốc gia Châu Âu trở nên quan trọng hơn và có nhiều ảnh hưởng hơn đối với nền kinh tế của họ.

Một trong những nhân tố vô cùng quan trọng trong lịch sử hình thành và phát triển của luật cạnh tranh Châu Âu đó là sự gia nhập của các quốc gia vào liên minh. Trong hiệp ước thành Rome, được ký bởi các quốc gia Pháp, Tây Đức, I-ta-li-a, Bỉ, Ni-zơ-lan, và Lúc-xem-bua vào ngày 27 tháng 5 năm 1957 để thành lập cộng đồng kinh tế chung Châu Âu mà là tiền thân của khối các nước Châu Âu sau này, có một số điều khoản quy định việc bảo vệ cạnh tranh lành mạnh. Những điều khoản này dần dần được cụ thể hoá bằng các định hướng được luật hoá và được ủng hộ trên bình diện chung ở cấp quốc gia, và cho đến giai đoạn những năm 1970 thì trở thành một bộ luật cạnh tranh phát triển ở mức cao trong đó có sự kết hợp hài hoà của cả hai mô hình, mô hình thứ nhất là kiểm soát cạnh tranh mang tính hành chính có ở hầu hết các nước Châu Âu và mô hình thứ hai hệ thống luật cạnh tranh có tính pháp lý nhiều hơn giống như đã được xây dựng tại Đức. Sự phát triển luật cạnh tranh ở cấp khối các nước Châu Âu đã thúc đẩy nhận thức và hiểu biết về vấn đề luật cạnh tranh đối với các luật gia, các nhà làm luật cũng như các doanh nhân kinh doanh trên thị trường, và kể từ năm 1980 thì hầu như tất cả các hệ thống luật cạnh tranh của các quốc gia Châu Âu đều được phát triển theo hướng phù hợp với các quy định chung về luật cạnh tranh trên toàn Châu Âu. Đến năm 2004 cùng với việc gia nhập của nhiều quốc gia 0mới vào khối EU thì một sự cải cách quan trọng nhất đối với luật cạnh tranh Châu Âu đã được tiến hành theo đó yêu cầu tất cả các thành viên của EU phải đồng nhất sửa đổi và áp dụng nguyên tắc phối hợp chung giữa các thành viên để tạo ra một hệ thống luật cạnh tranh áp dụng chung cho tất cả các thành viên EU, và do vậy lần đầu tiên tất cả các thành viên EU được yêu cầu áp dụng một hệ thống luật cạnh tranh chung cho các hành vi vi phạm sảy ra tại khu vực này.

http://www.qlct.gov.vn/Web/Content.aspx?distid=755&lang=vi- VN
(Ban Hạn chế cạnh tranh)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét